tuyển sinh 2021tuyển sinh 2021

Tin nhanh

(Cập nhật ngày: 14/8/2015)

TBT báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn tặng hoa lưu niệm Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận tham gia buổi giao lưu.

Đúng 8h30 sáng nay (14/8), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có mặt tại Tòa soạn báo Dân trí để trả lời trực tuyến với độc giả về nội dung “Đổi mới giáo dục và xét tuyển đại học, cao đẳng 2015”.

Cùng tham gia giải đáp những thắc mắc của quý phụ huynh, học sinh còn có ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD&ĐT. 

Mở đầu buổi giao lưu trực tuyến, bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá: "Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã thành công tốt đẹp, được dư luận xã hội đánh giá cao về cách tổ chức gọn nhẹ và tiết kiệm, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội so với các năm trước. Kết quả kỳ thi đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục góp phần điều chỉnh hoạt động dạy học ở cấp THPT. Có thể nói, Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được yêu cầu đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW".


Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Nguyễn Nguyễn - Nam 50 tuổi
Thưa bộ trưởng, đợt thi tốt nghiệp THPT được đánh giá là gọn nhẹ và thành công. Tuy nhiên việc xét tuyển CĐ- ĐH lại quá nhiều rắc rối, mất nhiều thời gian, ngày nào tôi cũng cùng con phải canh điểm mà vẫn cứ lo đến mất ăn mất ngủ, trong khi con tôi điểm tương đối cao (23đ) vẫn có nguy cơ trượt ĐH mặc dù chỉ dám chọn trường ở tốp giữa. Trong khi năm ngoái các trường này chỉ cần 19-20đ. Bộ trưởng nghĩ sao về việc này? Cảm ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:
Mức điểm trúng tuyển hàng năm vào các trường có thay đổi phụ thuộc vào kết quả thi của các cháu đăng ký vào trường. Năm nay, việc cung cấp thông tin xét tuyển của các trường công khai, cập nhật liên tục để học sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký. 

Việc này, phụ huynh và học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn và do vậy vất vả hơn năm trước. Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Bộ Giáo dục muốn các cháu chủ động cập nhật thông tin và cân nhắc lựa chọn để có quyết định phù hợp cho bản thân mình. 

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ tạo mọi điều kiện tối đa cho các cháu, đồng thời để rộng cửa cho các cháu có quyền quyết định  sử dụng cơ hội đó hay không.
trần linh - Nữ 18 tuổi
cho cháu hỏi có phải trường nào củng có NV2 cả phải không? Trường hợp thí sinh có điểm cao nhưng trật NV1 thì phải giải quyết ra sao? Cháu cảm ơn.
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Các trường chỉ xét tuyển các đợt bổ sung (đợt 2,3) khi chưa tuyển đủ chỉ tiêu sau khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên. 

Nếu cháu chưa đỗ ở đợt xét tuyển đầu tiên, cháu có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung của trường với lưu ý: Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt đầu tiên đối với ngành/nhóm ngành đó. 

Để biết thông tin về xét tuyển bổ sung cháu cần phải theo dõi thông tin trên website của trường hoặc các phương tiện truyền thông.

VÕ VĂN CHƯƠNG - Nam 55 tuổi
Thưa bộ trưởng: Chính sách cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực đã được thực hiện trong mấy năm nay, qua các kỳ thi đại học trước dư luận xã hội đồng tình, không có gì bức xúc. Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia, mấy ngày gần đây dư luận xã hội rất bức xúc. Vậy thưa bộ trưởng phải chăng cách cộng điểm ưu tiên quá nhiều như hiện nay chỉ phù hợp với kỳ thi đại học mà không còn phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia. Xin bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này và giải pháp cho những kỳ thi sắp tới?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:
Việc cộng điểm ưu tiên, đối tượng và khu vực  trong tuyển sinh ĐH,CĐ hiện nay là cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng ưu đãi xã hội và các vùng khó khăn. 

Về mức điểm ưu tiên hiện nay, chúng tôi tiếp nhận các ý kiến góp ý và sẽ xem xét tổng hợp để hoàn thiện chính sách ngày càng phù hợp hơn.

Phan Hữu Phước - Nam 50 tuổi
Tại sao bộ không tổ chức cho thí sinh dăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tại các sở giáo dục để đỡ vất vả cho học sinh
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Theo nguyện vọng của các trường ĐH, CĐ với tinh thần tự chủ tuyển sinh nên việc đăng ký xét tuyển diễn ra ở các trường. Quy chế cho phép các thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng các hình thức khác nhau như: trực tiếp, trực tuyến qua mạng, gửi chuyển phát…Để hỗ trợ thí sinh, Bộ GD-DT đã cho phép thí sinh nộp và thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại các Sở GD-ĐT. 

Như vậy, Sở GD-ĐT đã phối hợp cùng với các trường ĐH, CĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong công tác tuyển sinh. Việc làm này sẽ làm các Sở GD-ĐT vất vả hơn nhưng vì quyền lợi của thí sinh những khó khăn sẽ được các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục vượt qua.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi của độc giả gửi đến.

Trần Thu Hiền - Nữ 48 tuổi
Kì thi THPT quốc gia được đánh giá là thành công bước đầu nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn. Nếu năm tới nhiều trường tổ chức tuyển sinh riêng và không còn sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để xét tuyển thì lúc đó mục đích của kì thi này theo tinh thần Nghị quyết là không còn. Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

Theo Luật Giáo dục ĐH, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH,CĐ. Bộ GD-ĐT khuyến khích, hỗ trợ các trường triển khai phương thức tuyển sinh riêng.

Hiện nay, do điều kiện thực tế của các trường ĐH Việt Nam, bên cạnh một số trường đã thành lập lâu năm truyền thống có đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng, nhưng bên cạnh đó không ít trường chưa đủ điều kiện, chưa đủ khả năng để tổ chức kỳ thi.

Kinh nghiệm tuyển sinh của các nước phát triển, việc thi tuyển sinh được tổ chức ở các Trung tâm Khảo thí độc lập, các trường ĐH dùng kết quả thi này để xét tuyển. Phương thức tuyển sinh Bộ áp dụng hiện nay đang đi theo hướng đó. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 29.

Ngo Truong Chinh - Nam 52 tuổi
Không biết Bộ giáo dục có thống nhất mẫu biểu để công khai danh sách thí sinh đăng ký NV1 hay không? Các trường Đại học mỗi trường lập một kiểu (Biểu mẫu khác nhau). Các trường Đại hoc tốp cuối lập danh sách không cụ thể: Như không thống kê được đầy đủ 4 nguyện vọng của thí sinh và thứ tự của các nguyện vọng đó làm cho chúng tôi, các thí xem không hiểu gì hết?
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH, CĐ ít nhất 3 ngày một lần công bố thông tin đăng ký xét tuyển, trong đó cần đưa ra các thông tin căn bản như thông tin về mức điểm, điểm ưu tiên, tổ hợp đăng ký của thí sinh vào ngành đào tạo…

Theo tinh thần tự chủ tuyển sinh và điều kiện cụ thể cũng như đặc thù của mình, các trường sẽ lựa chọn phương thức tốt nhất trong việc hỗ trợ thí sinh. Việc làm này cũng sẽ thể hiện được sự trách nhiệm của nhà trường đối với những sinh viên tương lai của mình. 


Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh (phải) giải đáp câu hỏi liên quan trực tiếp vấn đề xét tuyển và tình hình nộp hồ sơ của thí sinh.

Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Nữ 47 tuổi
Đợt 1 này các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay chỉ tuyển 70% như dự kiến để chúng tôi còn theo dõi thứ tự điểm của con mình để quyết định rút hồ sơ hay không?
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Không có quy định nào bắt buộc đợt xét tuyển đầu tiên các trường chỉ được tuyển 70% chỉ tiêu. Tùy thuộc vào tình hình đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành của trường để Hội đồng tuyển sinh của trường quyết định điểm trúng tuyển vừa đáp ứng chỉ tiêu đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường có thể tuyển bổ sung ở đợt tiếp theo.

Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Nữ 47 tuổi
Đợt 1 này các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay chỉ tuyển 70% như dự kiến để chúng tôi còn theo dõi thứ tự điểm của con mình để quyết định rút hồ sơ hay không?
Cục trưởng Mai Văn Trinh:
Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Nữ 47 tuổi
Đợt 1 này các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay chỉ tuyển 70% như dự kiến để chúng tôi còn theo dõi thứ tự điểm của con mình để quyết định rút hồ sơ hay không?
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Không có quy định nào bắt buộc đợt xét tuyển đầu tiên các trường chỉ được tuyển 70% chỉ tiêu. Tùy thuộc vào tình hình đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành của trường để Hội đồng tuyển sinh của trường quyết định điểm trúng tuyển vừa đáp ứng chỉ tiêu đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường có thể tuyển bổ sung ở đợt tiếp theo.

Bùi Thị Đào - Nữ 37 tuổi
Xin hỏi cháu tôi nộp hồ sơ qua Bưu điện nếu đến ngày 20/8 mà trường vẫn chưa nhận được hồ sơ thì sẽ làm thế nào ?
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Nếu cháu nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện thì trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ dấu xác nhận trên bưu phẩm để tính mốc thời gian cháu nộp hồ sơ. Ngành bưu chính cố gắng trong vòng hai ngày có thể chuyển bưu phẩm các địa phương trong cả nước đến các trường ĐH, CĐ. Trong trường hợp cháu nêu, trước hết cháu cần liên hệ với bưu điện để xác nhận kết quả chuyển phát. 

Nếu bưu phẩm đã được gửi đến trường thì cháu liên hệ trực tiếp với nhà trường. Trong trường hợp bị thất lạc thì cháu liên hệ với bưu điện và với trường hoặc nếu cần thiết liên hệ trực tiếp với Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để có biện pháp hỗ trợ cháu đảm bảo quyền lợi.

Đinh Phương Loan - Nữ 18 tuổi
Cho em hỏi ở mục gửi hồ sơ tính theo dấu bưu điện là dấu bưu điện ở chỗ mình gửi hồ sơ hay ở bưu điện nhận được hồ sơ ạ?
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Các trường sẽ căn cứ ngày cháu gửi bưu phẩm đi để tính thời gian nộp hồ sơ.

Thu Trang Ta - Nữ 18 tuổi
Bộ GD đã nói muộn nhất là 15 có kết quả phúc tra, nhưng khi cháu đến trường cấp 3 của mình thì họ lại nói sớm nhất 17 mới có. Vậy thì làm thế nào để cháu có kết quả sớm nhất khi chỉ còn 3 ngày để đăng kí? Mong bác sẽ trả lời cháu về vấn đề này.
Cục trưởng Mai Văn Trinh:

Theo quy chế, chậm nhất là ngày 15/8/2015 các Hội đồng thi phải trả kết quả phúc khảo cho thí sinh. Nếu cháu bị chậm ảnh hưởng đến việc đăng ký xét tuyển thì cháu có thể liên với trường ĐH, CĐ hoặc có thể liên hệ trực tiếp với Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để có biện pháp hỗ trợ. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo và đôn đốc các Hội đồng thi triển khai chấm phúc khảo đúng thời gian quy định để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Nguyễn Thị Tuyết - Nữ 50 tuổi
Thưa Bộ trưởng, tôi năm nay có con xét tuyển vào đại học nhưng với cách đổi mới năm nay tôi thấy rất lo lắng, bởi liên tục phải theo dõi thông tin từ phía các trường xem tình hình nộp hồ sơ thế nào, rất mệt mỏi. Bộ trưởng có cách nào khắc phục tình trạng này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:
Chào chị Tuyết!
Về câu hỏi của chị tôi trả lời như sau: Cách tuyển sinh của năm nay khác với cách tuyến sinh của các năm trước. Những năm trước tuyển sinh, học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường trước kỳ thi, khi chưa có thông tin về kết quả thi của mình cũng như tương quan của các học sinh khác nên việc đăng ký với tỷ lệ may rủi rất lớn.

 Năm nay, học sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm và Bộ đã công bố các số liệu điểm của các khối thi cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Như vậy, các cháu có đầy đủ thông tin để cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ. 

Đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo điều kiện cho các cháu chủ động tự cân nhắc quyết định trường mình lựa chọn. Việc làm này, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tránh trường hợp điểm cao mà trượt đại học. 

Qua việc này cũng giúp các cháu nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, làm cho các cháu trưởng thành hơn. 

Để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh để các học sinh và phụ huynh nắm rõ hơn quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, các nhà trường cũng có nhiều buổi tư vấn cho học sinh đăng ký vào trường. 

Nguồn: Dantri.com.vn


TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHƯƠNG ĐÔNG
Cơ sở 1: 171 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 4 Ngõ Chùa Hưng Ký, phố Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024-3784-8513 (14/15/16/17/18) | Fax: 024-3784-8512 | Email: info@phuongdong.edu.vn
Thống kê truy cập
Số người trực tuyến: 65
Số người đã truy cập: 2071068